TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ TRONG LẦN ĐẾN CHỢ NỔI CÁI RĂNG, VIỆT NAM

Đến thành phố Cần Thơ khi trời vừa tắt nắng và sau một hồi dạo quanh ngắm phố phường, cuối cùng thì tôi cũng đến được Cái Răng – một địa danh quen thuộc tôi đã bao lần qua lại thời sinh viên, bây giờ mới có dịp trở lại trọ nghỉ qua đêm lòng cảm thấy khấp khởi, rộn ràng. Tại đầu bờ bên này của cầu Cái Răng là chợ An Bình, tầm 20 giờ tối nhưng trước cổng chợ vẫn người mua kẻ bán tấp nập. Có nhiều nhà nghỉ, khách sạn dọc 2 đầu cầu, cuối cùng thì mình cũng chọn được một phòng trọ khá tươm tất. Hỏi chị chủ giá bao nhiêu, chị trả lời 160.000đ/đêm. Cách nhà nghỉ vài bước chân thì có tiệm tạp hóa, quán ăn, giải khát người qua kẻ lại tấp nập. Phòng 2 người có máy lạnh, nhà vệ sinh sạch sẽ và nơi được mệnh danh Tây đô mà giá như vậy thì khỏi phải đắn đo. Hơn nữa, chỉ cách chợ nổi Cái Răng vài phút đi bộ nên với tôi đây là lựa chọn tuyệt vời nhất, bởi không phải thức khuya dậy sớm chạy theo tua tuyến đã định sẵn giờ giấc, để có thể ngủ trọn giấc, nhởn nhơ theo sở thích của riêng mình.

Miên man với gió sông và bánh mì nóng hổi ở chợ nổi Cái Răng

Trời vừa đâm mây ngang, bước xuống lề phố uống tách cà phê ấm nóng, rồi cuốc bộ qua cổng chợ An Bình, tiếp tục cuốc bộ qua cầu Cái Sơn, vì còn quá dư thời gian mình đến một nhà hàng lớn, có bãi đổ xe rộng, có bán ăn sáng, có cho thuê tàu chở khách tham quan chợ nổi. Vòng ra phía cầu tàu toàn là những phương tiện vận tải lớn, khó luồn lách, khó tắt ngang xẻ dọc, nên không là ưu tiên trong lựa chọn của mình. Đành phải quay ngược ra cổng, có mấy anh chủ đò chở khách chào mời, dắt xuống tận bến để xem phương tiện. Nhìn ghe thân rộng, mới, chắc chắn, có áo phao cứu sinh, có máy đuôi tôm, có thể chở đến 6 người, chủ phương tiện là người đứng tuổi, nhiều kinh nghiệm, giá thuê 150.000đ/giờ nên mình quyết định chọn phương tiện này để tiếp tục nhởn nhơ trên chợ nổi Cái Răng theo cách của riêng mình.

Mới sáng tinh mơ, tưởng là thức sớm nhưng người mua kẻ bán còn thức sớm hơn mình. Trên mặt sông rộng ước chừng 500 mét, những chiếc ghe tải liền kề chật kín cả khúc sông. Bí rợ, khóm chín vàng hực, bắp cải trắng nõn nà, dưa hấu xanh vàng . . . được thương lái chất đầy từ khoang lái đến mũi ghe đợi khách. Một số thì được thương lái chuyển xuống ghe nhỏ hơn cho bạn hàng sau khi chốt giá tạo nên quang cảnh họp chợ sôi động. Hàng quán trên chợ cũng là hàng quán di động. Những nồi nước lèo được nhúm trên bếp củi ấm nóng nên chở theo những làn khói lảng đãng phả trên mặt sông khiến chợ nổi sôi động, đẹp như tranh vẽ.

Sống trên mặt sông tưởng rằng sẽ thư thả, nhưng không ngờ mọi thứ diễn ra với tốc độ không thua kém nhịp sống trên bờ. Những món ăn Việt phổ thông gọn lẹ, như: bún riêu, cơm tấm, hủ tíu, bún thịt nướng, cà phê đen ấm nóng, cà phê đá pha phin, cà phê sữa đá phục vụ tận tay khách. Chị Ngọc vừa đập trứng chiên làm ổ bánh mì ốp la cho khách, vừa nói: “ Khách ở đây đa số là dân lao động, nên ăn uống đơn giản, gọn gàng vì vậy nhiều người chọn bánh mì”. Tiếng í ới gọi bánh mì, hòa tiếng người đi chợ với tiếng rao nhưng vẫn không lấn át được tiếng lách tách của trứng gà chị Ngọc đang chiên trên chảo, tạo nên một quang cảnh mua bán thức ăn sáng náo nhiệt trên sông. Anh Nguyễn Văn Thành cùng con trai từ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chở rau quả đến bán ở chợ nổi Cái Răng vừa giao hàng cho khách, anh vừa nói: “ Mua bán tất bật, không có thời gian rãnh nên ổ bánh mì là gọn lẹ”. Chị Ngọc có hơn 20 năm bán bán mì lưu động ở chợ nổi cho biết, mỗi sáng chị bán hơn 100 ổ bánh mì, chèo đầu chợ đến cuối chợ hơn cây số, những lúc ngược nước, ngược gió rất cực nhưng vui, hôm nào không đến được chợ cảm thấy buồn!”, chị nói và nở nụ cười thật hiền. Tôi nhờ chị làm cho ổ bánh mì trứng ốp la, cũng với trứng chiên vừa chín, với nước tương, với vài lát dưa leo, ớt và vài cọng ngò, ổ bánh mì trở nên đầy đủ màu sắc, vừa thơm, vừa béo, lại vừa giòn. Giữa sóng nước dập dềnh, mát rượi, được thưởng thức ổ bánh mì chợ nổi giòn rụm cảm thấy thú vị vô cùng. Không chỉ tôi, đằng xa vị khách Tây cũng yêu cầu chị Ngọc làm cho ổ bánh mì ốp la, tôi để mắt thấy vừa thưởng thức vị khách Tây lộ rõ cảm giác thích thú khi thưởng thức bánh mì Việt, với trái dừa tươi, bồng bềnh với gió sông mát lành! Lòng thầm nghĩ vị khách Tây kia không ngại vượt hàng nghìn cây số,để đến chợ nổi thưởng thức những món ăn bình dị, vừa là một đặc sản ẩm thực của chợ nổi mà ít nơi nào có được! Bụng thầm nghĩ, tặng cho mình một chuyến tham quan chợ nổi thật không uổng phí chút nào!

                                                               Bài,ảnh: Hiếu Thảo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *